Công nghệ Kỹ thuật Hóa học
- Toán, Vật lý, Hóa học (A00)
- Toán, Vật lý, Tiếng Anh (A01)
- Toán, Hóa học, Tiếng Anh (D07)
- Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh (D01)
- Xét tuyển Học bạ.
Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế có nhiệm vụ đào tạo cử nhân Hóa học (4 năm) và kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật hóa học (4,5 năm, tuyển sinh khóa đầu từ năm học 2019-2020).
Để tốt nghiệp kỹ sư công nghệ kỹ thuật hóa học, sinh viên cần tích lũy đủ 150 tín chỉ cho toàn khóa học theo chương trình khung đã được phê duyệt.
Ngoài kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học sẽ được trang bị các kiến thức chuyên ngành cập nhật về thiết bị, quá trình và công nghệ hóa học. Cùng với các kiến thức lý thuyết và thực hành thí nghiệm được đào tạo trong trường, sinh viên còn được học tập chuyên môn thông qua chương trình thực tập thực tế đa dạng ở các cơ sở sản xuất, công ty, xí nghiệp liên quan đến chuyên ngành và quá trình thực hiện các đồ án công nghệ, đồ án tốt nghiệp. Với chương trình đào tạo kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, các kỹ sư được đào tạo từ Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế sẽ có đầy đủ kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành, đảm bảo tiếp cận tốt với các kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực hóa học.
Bên cạnh 2 ngành đào tạo hệ đại học là Hóa học và Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, Khoa Hóa học đã và đang đào tạo hệ sau đại học gồm 01 mã ngành Thạc sỹ Hóa học, 03 mã ngành Tiến sỹ: Hóa Phân tích, Hóa lý & Hóa lý thuyết, Hóa Hữu cơ.
Nếu có nhu cầu, kỹ sư công nghệ kỹ thuật hóa học cũng có thể theo học tiếp các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hóa học ngay tại Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa, ngành hóa học và công nghệ kỹ thuật hóa học có một vai trò và vị trí rất quan trọng. Hóa học và Công nghệ kỹ thuật hóa học đã và đang trở thành những bộ phận không thể thiếu trong nhiều ngành sản xuất, thu hút và có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lực lượng lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn cao.
Rất nhiều lĩnh vực sản xuất có liên quan trực tiếp đến ngành công nghệ kỹ thuật hóa học như: công nghiệp sản xuất vật liệu gốm sứ, thủy tinh, xi măng, vật liệu xây dựng nội và ngoại thất, sản xuất và chế biến thực phẩm, hóa chất, phân bón, hóa dược, mỹ phẩm, chế biến dầu mỏ, polyme, dệt nhuộm, hàng tiêu dùng....
Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, từ 2015 đến 2020, riêng ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có 4 ngành kinh tế chủ lực cần nhiều lao động, trong đó ngành hóa chất - hóa dược - mỹ phẩm: cần 10.800 người/năm, ngành chế biến thực phẩm: cần 10.800 người/năm. Theo thống kê này, hằng năm các cơ sở đào tạo khu vực phía Nam chỉ mới cung cấp được cho xã hội khoảng 2.000 lao động có trình độ đại học trong lĩnh vực Hóa học và Công nghệ kỹ thuật hóa học.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau:
- Kỹ sư phụ trách kỹ thuật, quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hóa học;
- Kỹ sư phụ trách tư vấn, thiết kế tại các đơn vị chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, vật tư, phụ gia, hóa chất trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hóa học;
- Chuyên viên tại các cơ quan quản lý có liên quan đến công nghệ kỹ thuật hóa học;
- Chuyên viên nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật hóa học ở các viện nghiên cứu, trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, trường đại học và cao đẳng;
- Giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.