Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế: Không còn bỡ ngỡ

TTH - Với những nỗ lực tích cực, Trường Đại học (ĐH) Khoa học – ĐH Huế đã có sự phát triển vượt bậc trong việc triển khai dạy học trực tuyến.

Từ ngày 30/3, Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế bắt đầu tổ chức đào tạo trực tuyến trên diện rộng. PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế cho biết: “Nhà trường đã triển khai đào tạo trực tuyến ở tất cả các học phần, ngoại trừ những môn cần thực hành tại phòng thí nghiệm hay phòng máy”.

350 giảng viên đã được tập huấn để sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ cho việc học trực tuyến. Đó là ứng dụng Google classroom, Google calendar và Google meet. Google classroom là lớp học trực tuyến kết nối giảng viên và sinh viên thông qua email, lịch, ứng dụng tạo tài liệu… Để bổ trợ, Google calendar giúp giảng viên sắp xếp và quản lý lịch học hiệu quả, nhanh chóng. Sau khi đặt lịch hẹn, hệ thống sẽ tự động cập nhật thời khóa biểu, sinh viên chỉ cần nắm thời gian và tham gia lớp học đúng giờ. Trong khi đó, Google meet cho phép người dùng thực hiện các cuộc gọi miễn phí.

TS. Trần Thị Ái Mỹ, giảng viên Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế nói: “Ban đầu có chút bỡ ngỡ đối với cả giảng viên và sinh viên, nhưng chúng tôi đã học được cách kết hợp ứng dụng Google classroom, Google calendar và Google meet để mang lại hiệu quả tốt cho việc dạy, học trực tuyến. Với mỗi môn, tôi tạo sẵn lớp học trên Google classroom để giao tài liệu học tập. Trước các buổi dạy, tôi lên sẵn lịch hẹn trên Google calendar và mời học sinh tham gia vào nhóm học tập”.

Song song với quá trình giảng dạy, giảng viên sẽ giao bài tập và câu hỏi cho sinh viên. Thời gian trả lời câu hỏi sẽ tương ứng với độ khó đề ra (tất cả đều có công cụ hỗ trợ như đồng hồ đếm, chấm điểm…), từ đó kiểm tra mức độ hiểu và áp dụng kiến thức của sinh viên, tăng tương tác giữa thầy và trò. “Tôi có thể giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kiểm tra và tương tác với các em gần giống như ở lớp học truyền thống. Chỉ cần các em chăm chỉ nghe giảng và tương tác với giảng viên, việc tiếp thu và hiểu được nội dung bài học không quá khó khăn”, nữ TS khẳng định.

Lê Quang Tiến Thịnh, sinh viên K41 Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế chia sẻ: “Với em, việc giảng dạy truyền thống tất nhiên có sự giao tiếp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhờ tài liệu được giảng viên chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo; hơn nữa, thầy cô và các bạn đều cố gắng nên em tiếp thu bài khá tốt. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, thật vui vì em vừa được học tập lại đảm bảo được sức khỏe”.

Từ khi chủ trương được Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế phê duyệt, chỉ trong vòng ba tuần, việc đào tạo trực tuyến đã được triển khai trên diện rộng. Trường ĐH Khoa học đã tạo 350 tài khoản cho giảng viên, 8.000 tài khoản email cho sinh viên để có thể tham gia vào các ứng dụng của Google. Tất cả giảng viên được tạo điều kiện để có môi trường giảng dạy tốt nhất. PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền cho hay: “Giảng viên sẽ linh động dạy trực tuyến tại nhà. Với những giảng viên chưa đủ điều kiện vật chất, ví dụ đường truyền mạng yếu, laptop gặp sự cố, chúng tôi sẽ bố trí giảng dạy tại studio của Khoa Báo chí – Truyền thông và các giảng đường với đầy đủ trang thiết bị”.

Cái khó của việc học trực tuyến đó là sĩ số lớp do không phải sinh viên nào cũng có laptop, điện thoại thông minh, đường truyền mạng. Vì thế, các giảng viên đã linh động bật chế độ ghi hình để những sinh viên chưa đủ điều kiện có thể theo dõi bài giảng dưới hình thức video. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường theo dõi hiệu quả, chất lượng giảng dạy, khắc phục những khó khăn để sinh viên có thể theo kịp chương trình học mà vẫn đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch.

Nguồn: Baothuathienhue.vn